Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022
Lượt xem: 1850

Ngày 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 nhằm phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; tham dự Hội nghị tại điểm cầu TW có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương.

Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng là đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng

Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị đã xác định 5 nhóm quan điểm và 6 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu để thực hiện Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 11/11/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định trách nhiệm, thống nhất trong công tác chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện theo lộ trình 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu với 33 nhiệm vụ cụ thể (trong đó 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách, đề án, văn bản quy phạm pháp luật và 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng biến đổi khí hậu). Nghị quyết 148/NQ-CP cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt trên 50%, tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,9-2,3%; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đạt 16-26%; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt tối thiểu 32m2; phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, 100% dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử; kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 85% vào GDP cả nước.

Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã phát biểu tập trung vào một số vấn đề như: Phát triển hạ tầng giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn mới gắn kết đồng bộ, chặt chẽ và phù hợp với định hướng đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững đến năm 2030, tấm nhìn đến năm 2045. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: chúng ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất để đưa Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề điểm nghẽn để quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Đây là hội nghị quan trọng, mang nhiều ý nghĩa, nhằm tiếp tục quán triệt sâu rộng những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và tinh thần quan trọng của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và phổ biến Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06, xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện; chào mừng, hưởng ứng Ngày 8/11 là Ngày Đô thị Việt Nam và cũng là Ngày Đô thị hóa thế giới bằng những hành động cụ thể, thiết thực, nâng cao nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tiềm năng, thách thức của đô thị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận, tìm ra giải pháp thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh đô thị hoá gắn với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế. Trong tổ chức thực hiện, cần phối hợp chặt chẽ, xây dựng chương trình, kế hoạch cho từng cấp, từng ngành; trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển đô thị là một động lực phát triển; điều này đặt ra vấn đề quy hoạch tốt, xây dựng tốt, quản lý tốt đô thị, phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, bao trùm.

Kim Cúc 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1