Quảng Hòa phát triển du lịch theo hướng bền vững
Huyện Quảng Hòa xác định khai thác du lịch địa phương theo các hướng: du lịch trải nghiệm làng nghề; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa; du lịch cửa khẩu, biên giới… nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch có thương hiệu, mang nét đặc trưng riêng và phát triển bền vững.

 


    Du khách quốc tế tham quan nghề làm hương tại xóm Phja Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hòa).

    Quảng Hòa có tiềm năng du lịch đa dạng từ cảnh quan, khí hậu, hệ thống sông suối, di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống... Trong đó có nhiều tài nguyên du lịch có giá trị, đặc biệt phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, như: Làng rèn Phúc Sen, làng làm hương Phja Thắp, làng ngói máng, làng làm giấy bản, làng đan lát, làng Tày Bản Giuồng (xã Tiên Thành)... Bên cạnh đó có những điểm danh lam thắng cảnh đẹp: hồ Thang Hen, xã Quốc Toản; hồ Nà Lái, xã Phi Hải; thác Thoong Rung, xã Độc Lập gắn với các hang động có cảnh đẹp còn hoang sơ ở xung quanh thác; có Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng…

    Du lịch văn hóa gắn với những di tích lịch sử cũng thu hút đông đảo du khách đến Quảng Hòa. Tiêu biểu có các lễ hội truyền thống: Lễ hội Pháo hoa thị trấn Quảng Uyên và Lễ hội Thanh Minh xã Phúc Sen... Văn hóa ẩm thực có các món ăn dân dã, đặc sắc: xôi ngũ sắc, thịt lợn quay... Những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng như: Hèo Phươn, sli, lượn, Dá Hai...

    Khám phá, tìm hiểu về miếu Bách Linh ở chân núi Cốc Bó, cách chợ thị trấn Quảng Uyên hơn 200 m; đền thờ Nùng Trí Cao; Di tích cấp Quốc gia nhà ông Lã Văn Ho, xóm Tả Phầy Tẩư, thị trấn Quảng Uyên, nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Biên giới năm 1950 khi Bác Hồ cùng các vị lãnh đạo Trung ương làm việc, chỉ đạo chiến dịch. Di tích lịch sử cấp tỉnh Đông Bó Lình tại xóm Cốc Coóc, xã Chí Thảo...


    Đến Quảng Hòa, du khách có thể tham quan, trải nghiệm tại làng nghề làm ngói máng.

    Với tên gọi “Miền cổ tích” trong tuyến du lịch phía Đông của vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Quảng Hòa luôn là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đến nay, Quảng Hòa hình thành một số sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch của huyện phát triển.

    Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa Nông Văn Thông cho biết: Thực hiện chương trình phát triển du lịch, thời gian qua huyện đã đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Đến nay, hoàn thành việc phối hợp với Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản Việt Nam khảo sát hệ thống hang động, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn huyện đánh giá tiềm năng phục vụ phát triển du lịch. Phối hợp với Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) thực hiện hoàn thành các hạng mục đưa vào khai thác điểm du lịch cộng đồng làng làm hương Phja Thắp, xã Phúc Sen, trong đó xây dựng 1 cơ sở lưu trú du lịch homestay.

    Thực hiện Dự án phát triển làng du lịch cộng đồng tại xóm Bản Giuồng, xã Tiên Thành, đã hoàn thiện hạ tầng cơ sở lưu trú du lịch của 3 gia đình tham gia. Hiện đang kêu gọi vốn đầu tư từ các doanh nghiệp khác để hoàn thiện hạ tầng cơ sở lưu trú du lịch từ 3 - 10 gia đình, đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch đến tham quan, khám phá.

    Hoàn thành việc xây dựng xã An toàn khu (ATK) tại xã Quốc Phong (nay là thị trấn Quảng Uyên) gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thực hiện hoàn thành việc nâng cấp Lễ hội Thanh Minh, xã Phúc Sen gắn với làng nghề truyền thống.

    Trình công nhận Đền thờ Trần Hưng Đạo, thị trấn Quảng Uyên và Miếu Quan Đế, xã Ngọc Động là di tích văn hóa cấp tỉnh. Kêu gọi xã hội hóa nguồn kinh phí xây dựng hoàn thành Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, xã Bế Văn Đàn, tạo điểm đến tham quan cho du khách, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

    Phối hợp với huyện Long Châu (Trung Quốc) khảo sát các điểm có tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện để cùng hợp tác, phát triển các sản phẩm du lịch. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu cảnh quan, văn hóa, con người huyện Quảng Hòa thông qua việc tổ chức các hoạt động hội chợ thương mại, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao...

    Ngoài ra, huyện hoàn thành việc xây dựng Đền thờ Trần Hưng Đạo, Chùa Thiên Phúc tại thị trấn Quảng Uyên bằng vốn xã hội hóa; phối hợp với Sở VHTTDL lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VHTTDL đưa nghề rèn của người Nùng An xã Phúc Sen vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, huyện đang phối hợp với Sở VHTTDL gửi hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL đưa Lễ hội Pháo hoa thị trấn Quảng Uyên vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020.


    Thác Thoong Rung, xã Độc Lập (Quảng Hòa), một trong những điểm thắng cảnh đẹp thu hút khách du lịch.

    Công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh được chú trọng thực hiện với các hình thức phong phú trên nhiều kênh thông tin, truyền thông, hội chợ, hội thảo cả trong và ngoài tỉnh như: Tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của địa phương tại địa điểm tổ chức Hội thảo quốc tế về “Phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO” tại tỉnh Cao Bằng; phối hợp các kênh truyền hình trong nước và quốc tế quảng bá sản phẩm làng nghề, làn điệu dân ca, trang phục truyền thống.

    Đồng thời quảng bá bằng pano, áp phích, băng rôn, các trang thông tin điện tử... Tại các lễ hội truyền thống của địa phương, các xã, thị trấn trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sắc của địa phương, của các làng nghề truyền thống và những mặt hàng nông sản tiêu biểu...

    Từ sự quan tâm đầu tư cho du lịch, trong những năm gần đây du lịch Quảng Hòa đã có bước phát triển khá. Năm 2019, gần 80.000 lượt khách du lịch đến Quảng Hòa.  Tuy nhiên, việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương chưa thực sự hiệu quả; huyện chưa tạo ra được sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch…


    Làng du lịch cộng đồng Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Quảng Hòa).

    Để tháo gỡ những khó khăn trên, tạo được bước kích cầu cho du lịch huyện phát triển, Quảng Hòa đang hướng đến phát triển các nhóm sản phẩm du lịch đặc thù: tham quan, khám phá, trải nghiệm biên giới Việt Nam - Trung Quốc; tìm hiểu văn hóa làng bản dân tộc; nghỉ dưỡng; ẩm thực truyền thống địa phương; đặc sản, hàng hóa lưu niệm truyền thống.

    Tập trung tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch với các thị trường tiềm năng; giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, hợp tác du lịch; tổ chức sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao ở các hội chợ, triển lãm, hội nghị…; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tạo dựng những sản phẩm du lịch mới; thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tạo môi trường xã hội thuận lợi cho du lịch phát triển…

    Với định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững, Quảng Hòa sẽ tạo ra được những sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  

    nguồn: báo Cao Bằng

    Tin tức
    Thống kê truy cập
    • Đang truy cập: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tổng lượt truy cập: 1
    Đăng nhập

    Chung nhan Tin Nhiem Mang